Năm lý do khiến Việt Nam trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài
Năm lý do khiến Việt Nam trở thành nam châm thu hút đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Mặc dù quốc gia không tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra, nhưng mức tăng trưởng GDP tích cực vào năm 2020 đã củng cố niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường. Nhờ đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận 22,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao hơn 10,6% so với tổng vốn đầu tư FDI của năm 2020.
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên triển vọng kinh tế tươi sáng và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải thích 5 lý do chính khiến Việt Nam vượt qua các nước láng giềng ở Đông Nam Á để trở thành thỏi nam châm thu hút FDI trong khu vực.
1. Vị trí chiến lược
Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và là giao cắt của nhiều tuyến đường vận tải và thương mại quốc tế lớn, Việt Nam chiếm lợi thế nhờ sở hữu vị trí địa lý chiến lược thuận lợi cho giao thương. Hơn nữa, mặc dù theo lịch sử việc nằm gần Trung Quốc dẫn đến những cuộc cọ xát giữa hai quốc gia, nhưng giờ đây đó lại là một trong những động lực chính thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào một loạt các ngành sản xuất tại Việt Nam. Khi chi phí vận hành ở Trung Quốc tiếp tục tăng cao, nhiều nhà sản xuất cân nhắc chuyển một số bộ phận trong dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam để giảm chi phí và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
2. Nền kinh tế phát triển nhanh, lành mạnh, hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu
Từng thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam hiện nay đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ấn tượng là 6,5% trong giai đoạn 2010 - 2019. Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng lên 3934 USD/người/năm. Nhờ áp dụng các biện pháp chống COVID-19 quyết liệt và hiệu quả, vào năm 2020, Việt Nam là một trong ba nền kinh tế duy nhất ở châu Á đạt mức tăng trưởng tích cực (2,9%) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, củng cố vị thế là điểm đến đầu tư an toàn và ổn định.
Sức hấp dẫn của Việt Nam còn đến từ cam kết hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Qua hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thiết lập thành công thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 quốc gia và ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó bao gồm bảy FTA được ký kết với tư cách là thành viên ASEAN, bốn FTA song phương với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á - Âu và bốn FTA đa phương cụ thể là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Liên minh châu Âu-Việt Nam, FTA Anh - Việt và gần đây nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Mạng lưới FTA rộng khắp của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Ngày càng có nhiều cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu.
3. Môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện
Chính phủ Việt Nam khá cởi mở và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nhằm biến đất nước trở nên hấp dẫn hơn cho FDI, trong hơn 30 năm qua, Chính phủ đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện các điều kiện kinh doanh của Việt Nam thông qua các cuộc cải cách. Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào năm 1986, bộ luật đã được sửa đổi nhiều lần nhằm thu hẹp khoảng cách chính sách giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Ban hành lần đầu vào năm 2005, Luật Đầu tư (LOI) đã được sửa đổi ba lần trong vòng 15 năm qua trước khi lần sửa đổi gần đây nhất có hiệu lực vào đầu năm nay, nhằm mục đích đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục quản lý kinh doanh và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài vào trong nước. Nhiều lĩnh vực đã được mở cửa cho đầu tư nước ngoài theo Luật Chứng khoán của Việt Nam. Theo xếp hạng hàng năm của Ngân hàng Thế giới, vào năm 2020, Việt Nam đứng thứ 70 trên 190 nền kinh tế trên thế giới về mức độ dễ dàng kinh doanh, tăng 20 bậc so với năm 2010.
4. Phát triển cơ sở hạ tầng
Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào việc mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có của quốc gia. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Việt Nam nằm trong số những nước dẫn đầu ở Đông Nam Á về phát triển cơ sở hạ tầng, với mức đầu tư cơ sở hạ tầng bình quân trong những năm gần đây chiếm 5,7% GDP.
Tính đến tháng 5 năm 2021, Việt Nam có 394 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích là 121.900 ha, tăng 134 KCN so với năm 2010. Trong số 394 KCN trên cả nước, có 286 KCN đang hoạt động. Số lượng các khu công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục tăng do có các nguồn đầu tư nước ngoài đổ vào. Trong quý 1/2021, đã có hàng chục dự án KCN được phê duyệt trên khắp 13 tỉnh thành của Việt Nam, cung cấp thêm không gian cho các hoạt động công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực được rót vốn FDI cao nhất cả nước.
Về giao thông, nhiều dự án đang được triển khai. Chính phủ đang đầu tư vào việc xây dựng và cải tiến các sân bay, bến cảng và đường cao tốc. Với nhiều cơ sở hạ tầng mới và hiện đại đang được xây dựng trên khắp cả nước, các nhà đầu tư không chỉ được hưởng lợi từ giao thông thuận tiện và nhanh chóng hơn mà còn có thể tận dụng lợi thế của cơ sở hạ tầng phát triển ở Việt Nam bằng cách làm việc với Chính phủ trong các dự án Đối tác Công/Tư.
5. Lực lượng lao động dồi dào với chi phí lao động cạnh tranh
Lực lượng lao động trẻ, chăm chỉ, dễ đào tạo của Việt Nam luôn là yếu tố then chốt thu hút FDI vào quốc gia. Tính đến năm 2020, trong số hơn 97 triệu dân, Việt Nam có hơn 54 triệu người nằm trong độ tuổi lao động. Mức lương tối thiểu hàng tháng giữa các khu vực khác nhau nhưng nằm trong khoảng từ 132 đến 190 USD. Mức lương của Việt Nam cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á. Mức lương tối thiểu hàng tháng của Malaysia dao động từ 270 đến 295 USD, của Thái Lan từ 248 đến 265 USD và của Indonesia từ 120 đến 298 USD. Mức lương tối thiểu của Việt Nam thậm chí còn cạnh tranh hơn so với nước láng giềng kém phát triển là Campuchia, quốc gia có mức lương tối thiểu khoảng 190 USD trong ngành may mặc, dệt may và da giày.
Trong những năm gần đây, mức thu nhập và tiền lương ngày càng tăng cao của Trung Quốc đã làm giảm khả năng cạnh tranh về chi phí đối với các nhà sản xuất có giá trị gia tăng thấp và thúc đẩy nhiều công ty đa quốc gia di rời nhà máy đến các nước có chi phí lao động thấp hơn.
Trong bối cảnh đó, với dân số hơn 97 triệu người, trong đó gần 60% ở độ tuổi dưới 35, nguồn cung lao động dồi dào của Việt Nam đã cho phép tiền lương duy trì ở mức cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp các nước trong khu vực về năng suất lao động.
Trên đây chỉ là một vài lý do tại sao bạn nên đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, quốc gia cũng xếp hạng cao trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ tình hình chính trị ổn định, các chính sách khuyến khích cạnh tranh và thị trường tiêu dùng sôi động và mở rộng. Các nhà đầu tư muốn tìm hiểu thêm về thị trường và/hoặc thiết lập hoạt động trong nước thì vui lòng liên hệ với chúng tôi tại info@oneip.vn để được hỗ trợ thêm.
.
Dẫn Đầu Xu Thế Với Những Thông Tin Bất Động Sản Công Nghiệp Mới Nhất